Lưu lại ngay những cách sau đây để xử lý sự cố về nước trong nhà
Nước và hệ thống ống nước có vai trò rất quan trọng trong ngôi nhà và sinh hoạt của mỗi gia đình. Các hoạt động hằng ngày như nấu nướng, tắm gội, giặt giũ… đều không thể thiếu nước. Chính vì vậy, hệ thống nước trong nhà ở luôn được quan tâm và đầu tư tốt để tránh những sự cố ảnh hưởng đến sinh hoạt. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng hoặc do những yếu tố khác tác động, chúng ta không thể không tránh khỏi những sự cố về nước trong nhà ở như rò rỉ nước, tắc hoặc vỡ đường ống… Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn 15 cách xử lý những sự cố về nước trong nhà ở, vô cùng hữu dụng và cần thiết với bất cứ ai.
1. Xử lý đường ống bị nghẹt
Ống nước bị nghẹt nguyên nhân chính thường do thức ăn, rác thải tích tụ lâu ngày dẫn đến ứ đọng, nước không lưu thông được. Bạn có thể kiểm tra và tự làm sạch đường ống bằng việc loại bỏ các chất thải đang bám trong đường ống, hoặc dùng các chế phẩm loại bỏ và phân hủy rác, dầu mỡ có trên thị trường.
2. Xử lý vòi nước bị rò rỉ
Vòi nước ở các vị trí nhà tắm, phòng vệ sinh hay nhà bếp sau một thời gian dài sử dụng dễ rơi vào tình trạng rò rỉ. Nguyên nhân là do vòi nước bị oxi hóa hoặc do van cao su phía trong ống bị hở. Cách khắc phục là bạn dùng dây thép mạ kẽm hoặc một miếng chì nhỏ đặt vào chỗ thủng của vòi nước, sau đó dùng búa đập cho miếng thép hay chì chắc vào trong khe hở, đập đều, phẳng với mặt ống nước. Tiếp theo bạn dùng săm xe đạp rồi cắt nó thành một sợi dây dài 0,3 – 0,6 cm, dùng dây này ép vào chỗ rỉ, sau đó buộc thật chặt lại bằng dây và dây thép.
3. Xử lý rò rỉ đường ống tại khớp nối
Để xử lý rò rỉ đường ống tại khớp nối, đầu tiên bạn cần chuẩn bị một cuộn keo lụa – loại keo này rất phù hợp để chúng ta khắc phục những vấn đề có liên quan đến những loại khớp nối có răng xoắn. Khi sử dụng keo lụa hoặc gia cố những khớp nối có vòng xoắn bạn chỉ cần nhẹ nhàng quấn keo quanh vòng xoắn của khớp nối, sau đó vặn khớp nối còn lại để lắp hai đầu khớp nối với nhau.
4. Kiểm tra rò rỉ đường ống do vết nứt
Để khắc phục rò rỉ đường ống do vết nứt, đầu tiên bạn dùng băng keo đen quấn vào chỗ nứt thật chặt và dày, lưu ý nên quấn dư ra ở hai bên vết nứt khoảng 1cm mỗi bên, như vậy sẽ giúp nước không bị rò rỉ ra ngoài.
5. Ống nước bị nghẹt trong nhà vệ sinh
Cách tối ưu nhất để đối phó với sự cố ống nước bị nghẹt trong nhà vệ sinh là tắt nguồn cấp nước ngay khi có vấn đề xảy ra. Sau đó, dùng một pit tông hoặc kim loại rắn đánh bật rác thải tại vị trí tắt nghẽn.
6. Bồn cầu bị rò rỉ nước do van xả, đóng
Để xử lý sự cố này, trước tiên bạn cần khóa van xả nước vào bồn cầu và xả hết nước bồn bể chứa. Tiếp theo, tháo van xả ra để vệ sinh sạch bằng nước giấm, xà bông, nước tẩy rửa. Sau đó lắp đặt lại như bình thường, mở khóa van xả nước vào bồn cầu.
7. Bồn cầu bị rò rỉ nước ra sàn
Đầu tiên, bạn phải khóa van xả nước vào bể, dùng miếng vải khô thấm hết nước còn trong bồn cầu. Tiếp đó tháo từng bộ phận: nắp bể, bể chữa, bệ ngồi nhà vệ sinh, cẩn thận tránh làm hỏng điểm tiếp xúc. Sau cùng là vệ sinh hoặc thay mới nếu cần thiết bạn nhé.
8. Bồn cầu bị rò rỉ nước từ bể chứa
Nếu bồn cầu bị rò rỉ nước từ bể chứa, đầu tiên, bạn tháo các đai ốc, cao su ra để vệ sinh. Tiếp đó, lắp đặt chúng lại thật chặt, nếu gặp khó khăn trong vấn đề tháo dỡ, bạn có thể thay mới bộ phận này với giá rất phải chăng trên thị trường.
9. Bồn cầu bị rò rỉ ở tay cầm xả nước
Nguyên nhân dẫn đến sự cố này là do việc đặt giới hạn phao nước đặt quá cao so với quy định, khiến cho việc nguồn nước vào bể chứa quá nhiều làm tràn ra tay cầm xả nước vệ sinh. Cách xử lý là bạn kiểm tra lại giới hạn đặt phao nước phù hợp theo tiêu chuẩn của sản phẩm nhé.
10. Đường ống thoát nước điều hòa bị tắc nghẽn
Khi gặp sự cố này, trước hết, bạn kiểm tra xem máng thoát nước có bị nứt vỡ hay không. Trong trường hợp tắc ống thoát nước thì kiểm tra phía ngoài ống thoát nước từ cục nóng ở bên ngoài có bị vật gì chặn hoặc ống bị gấp khúc gây cản trở thoát nước không. Bạn cũng có thể cầm đầu ống, hút hoặc thổi nhẹ để thông bụi hay bóng nước làm tắc ống bên trong nếu có.
11. Rò rỉ nước tại ống xả máy giặt
Nguyên nhân thông thường là do đầu nối giữa ống nước bị lỏng , không khớp với nhau. Bạn có thể làm chặt mối nối này bằng cách buộc cao su non xung quanh chỗ nối với đường ống thoát.
12. Rò rỉ nước tại đáy máy giặt
Nguyên nhân có thể do chế độ cấp nước của máy giặt bị hỏng hoặc các đường ống bên trong bị rò rỉ.
13. Rò rỉ nước sau máy giặt
Nguyên nhân dẫn đến sự cố này thường là do đường ống cung cấp nước vào máy giặt bị lỏng hoặc hư hỏng trong quá trình sử dụng. Hoặc cũng có trường hợp chiếc máy giặt của bạn không đặt cân đối khi giặt cũng gây ra hiện tượng nước bị tràn ra ngoài.
14. Bệ rửa bị nghẽn tại cần giật
Với trường hợp này, cách xử lý là kiểm tra cần giật có bị kẹt do lắp lệch không, sau đó lắp lại cần giật xả nếu có.
15. Bệ rửa không thoát nước tốt
Khi gặp sự cố này, bạn nên kiểm tra ống thoát xem có bị kẹt không, sau đó vệ sinh sạch sẽ nếu phát hiện rác hoặc vật cản.