8 lưu ý thiết kế nhà tắm an toàn cho cả trẻ em và người cao tuổi
Khác với những nước phương Tây, việc một gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống là việc dễ thấy ở các nước Á Đông, Việt Nam của chúng ta cũng không ngoại lệ. Với điều kiện kinh tế ngày càng tăng, nhu cầu riêng tư và các nhân cho mỗi thành viên cũng tăng lên, đặc biệt là với đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Hai đối tượng này với những điểm tương đồng và những đặc thù về tuổi tác, thần kinh vận động… mà yêu cầu thiết kế cũng cần được quan tâm hơn so với bình thường. Bởi nếu thiết kế không phù hợp sẽ gây ra những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình sử dụng cho người cao tuổi và trẻ em. Bài viết ngày hôm nay sẽ trình bày đến bạn 8 lưu ý thiết kế nhà tắm an toàn cho cả trẻ em và người cao tuổi, giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này để thể hiện sự quan tâm của mình đến các thành viên trong gia đình.
1. Những điểm tương đồng giữa phòng người già, phòng trẻ em
Trẻ em và người cao tuổi có sự cách biệt lớn về tuổi tác, nhưng giữa hai nhóm đối tượng này có rất nhiều điểm tương đồng. Đây là nhóm người không nằm trong độ tuổi lao động và cần có sự chăm sóc từ người khác. Chính vì vậy mà thiết kế không gian phòng tắm dành cho trẻ em và người cao tuổi cần phải phù hợp với những đặc điểm đó, bảo đảm an toàn và tiện nghi khi sử dụng.
2. Bố trí không gian rõ ràng, mạch lạc
Việc bố trí không gian trong phòng tắm đối với đối tượng sử dụng là trẻ em và người cao tuổi cần phải rõ ràng, mạch lạc khi sử dụng. Ngoài ra, không gian cần phải bố trí hợp lý, thuận tiện, các khu vực chức năng như chỗ tắm, rửa, bố trí các tủ kệ phải rõ ràng. Lưu ý đến bố trí chiếu sáng ban ngày và ban đêm để đảm bảo ánh sáng luôn được cung cấp đầy đủ để đảm bảo an toàn khi sử dụng trong trường hợp mất điện hoặc trời tối. Bạn có thể bố trí các thiết bị cung cấp ánh sáng tạm thời như đèn pin hoặc đèn cầy trong phòng tắm…
3. Thuận tiện và an toàn khi sử dụng
Trẻ em và người cao tuổi đều có những hạn chế khi xử lý các tình huống bất ngờ, do vậy, các nguyên tắc bố trí trong phòng tắm phải tuân thủ theo các yếu tố thuận tiện và an toàn khi sử dụng. Tất cả cả các ổ điện hoặc bảng điều khiển thiết bị điện phải lắp đặt đúng tiêu chuẩn an toàn điện, ở các vị trí dễ tiếp cận, dễ sử dụng. Bạn cũng nên lưu ý sử dụng các thiết bị an toàn chống giật như cầu dao hoặc các thiết bị ngắt điện tự động khi có sự cố. Không nên lắp đặt các loại thiết bị điện, nước, điện tử, điện lạnh… có cơ chế vận hành phức tạp hoặc có khả năng gây nguy hiểm ở trong phòng tắm.
4. An toàn thoát hiểm
Đây là một yếu tố rất quan trọng trong phòng tắm dành cho trẻ em và người cao tuổi. Với thể lực hạn chế, hai đối tượng này khi có tình huống hoặc sự cố cần phải dễ dàng thoát hiểm qua cửa hoặc có thể thông báo bằng các tín hiệu cấp cứu ra bên ngoài chờ giúp đỡ.
Cửa cho phòng của người già và trẻ em cần phải lắp đặt những loại chốt khoá dễ dàng đóng mở. Khoá cửa phòng tắm cần phải để một bộ ở ngoài để có thể kiểm soát và xử lý khi có sự cố. Đối với trẻ em và người cao tuổi, mức độ riêng tư không yêu cầu cao, nên cửa phòng có thể có ô kính để có thể tiện cho việc trông nom, cũng như khi cần thiết dễ dàng phá vỡ kính để mở chốt khoá từ phía trong.
5. Vị trí phòng
Phòng tắm của người già nên ở tầng thấp để tránh phải đi cầu thang quá nhiều, và cũng dễ dàng để con cháu trong nhà có thể trông nom. Trong khi đó phòng trẻ em có thể ở những lầu cao, phụ thuộc nhiều hơn ở những yếu tố khác như cách quản lý của bố mẹ.
6. Hình dáng phòng
Phòng của người già cần tiến đến sự đơn giản, để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoáng đãng. Do vậy hình dáng phòng nên là hình chữ nhật hoặc hình vuông. Ngược lại, phòng của trẻ em có thể phá cách để tạo nên sự sống động, nghịch ngợm, vui tươi với các hình khác thường hay với những đường cong. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo yếu tố công năng và các vấn đề an toàn như đã nêu ở trên.
7. Đường nét, màu sắc, chất liệu
Tương tự như hình dáng phòng, thì đường nét và màu sắc của phòng người già và trẻ em cũng thường khác nhau. Phần này lại cơ bản thuộc về bố trí và trang trí nội thất nên rất hay được các nhà thiết kế chủ động khai thác. Phòng của người già không nên nhiều màu, nên dùng những màu trầm, ấm kết hợp với các màu trắng, màu sáng nhẹ; đường nét không quá đặc biệt, mất cân bằng, chất liệu gỗ là chủ đạo, không nên dùng nhiều các chất liệu thép, kính. Phòng trẻ em lại có thể dùng những màu mạnh, rực rỡ, chói gắt và các đường nét tự do, sáng tạo, chất liệu và cách thức thể hiện cũng nên đa dạng.
8. Đồ đạc, trang thiết bị
Các đồ dùng và thiết bị trong phòng tắm cho trẻ em và người cao tuổi cũng cần chú ý lựa chọn những thiết bị phù hợp, đảm bảo tiện nghi và an toàn khi sử dụng:
– Ghế tắm. Ở người lớn tuổi, ngồi tắm là tư thế thoải mái và an toàn nhất.
– Vòi hoa sen. Khoá và vòi đặt ở vị trí vừa tầm tay, không phải với lên cao. Có thể tắt mở và sử dụng vòi sen dễ dàng.
– Bồn rửa mặt. Không nên đặt quá cao. Khoảng cách từ sàn nhà lên thành bồn rửa trong khoảng 80 – 90cm là hợp lý.
– Nền nhám. Lót gạch nhám hoặc bất cứ vật liệu gì có thể tạo ra độ nhám cho sàn nhà tắm để chống trơn.
– Ghế bô. Có bánh xe và chỗ để chân dùng để chăm sóc cho những cụ không thể tự làm vệ sinh được. Nếu không sử dụng ghế bô có thể tăng độ cao của bồn cầu. Với chiều cao của bồn cầu bình thường, người lớn tuổi sẽ gặp khó khăn khi phải hạ cơ thể xuống thấp.
– Kệ xà bông. Đặt ở vị trí vừa tầm với, nên sử dụng loại có hộp phía dưới để tránh xà bông chảy xuống sàn, gây trơn trợt.