MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI XÂY NHÀ
MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI XÂY NHÀ
Từ xưa đến nay, xây nhà vốn luôn là một việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi người. Việc thì trọng đại, nhưng kinh nghiệm và kiến thức xây nhà thì không phải là ai cũng biết, thế nên không ít chủ nhà cứ nhắm mắt làm theo kiểu may rủi: “Thôi, mình không có kinh nghiệm về cái này nên cứ kiếm ai thân quen đang làm nghề xây dựng thì giao cho người đó xây nhà cho mình. Chắc đó sẽ là phương án tốt nhất !”. Cách xây nhà theo kiểu nói trên đã khiến cho không ít chủ nhà sau khi xây xong thì tặc lưỡi: “Biết thế này lúc đầu mình sẽ…” hoặc “Phải chi mình lúc đó mình làm theo cách này…”. Thậm chí không ít trường hợp tình bạn bè, anh em, chú cháu cũng mất sau khi căn nhà được xây xong. Nêu ra những trường hợp trên chẳng phải để hù dọa những ai đang chuẩn bị xây nhà, mà đơn giản đó chỉ là những tình huống mà chủ nhà có thể sẽ gặp phải trong quá trình xây nhà của mình.
Để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình xây dựng căn nhà, chủ nhà nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt đầu làm nhà. Thế nhưng chuẩn bị kỹ lưỡng là chuẩn bị cái gì đây ? Sau đây là một số kinh nghiệm chia sẻ cho bạn đọc những nội dung cần phải chuẩn bị trước khi xây nhà để đảm bảo quá trình xây nhà diễn ra một cách suôn sẻ:
Thứ nhất, cần phải nắm rõ quy trình các bước thực hiện một căn nhà:
Nắm rõ quy trình xây nhà giúp bạn hình dung rõ ràng hơn các nội dung cần phải chuẩn bị tại mỗi giai đoạn. Hiện nay, việc xây nhà không chỉ đơn giản là xây dựng tùy theo ý thích của chủ nhà mà còn chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan. Do đó, nếu muốn đảm bảo căn nhà của mình không vướng phải những rủi ro pháp lý trong quá trình xây dựng thì đòi hỏi chủ nhà phải nắm bắt được những quy định của pháp luật trong quá trình xây dựng như: quy định thủ tục cấp phép xây dựng, quy định thông báo trước khi bắt đầu xây dựng, quy định xử lý những trường hợp thi công xây dựng khác giấy phép… Không nắm rõ những quy định này có thể khiến chủ nhà gặp nhiều khó khăn khi công trình rơi vào các trường hợp nói trên.
Bên cạnh đó, một căn nhà hiện nay cũng cần phải đạt được tính thẩm mỹ, tính thuận tiện và hợp phong thủy với chủ nhà. Nếu không hình dung trước về quy trình các bước cần thực hiện trước khi xây nhà thì gần như chắc chắn rằng quá trình xây nhà sẽ có nhiều công đoạn phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh như vậy không chỉ làm cho căn nhà bị phát sinh chi phí, chậm trễ tiến độ, dễ mâu thuẫn với thợ thuyền mà có khi còn ảnh hưởng đến kết cấu và chất lượng của căn nhà. Do vậy, việc nắm rõ quy trình các bước thực hiện trước khi xây nhà là rất cần thiết để giúp cho căn nhà được xây dựng một cách suôn sẻ, ít xảy ra mâu thuẫn giữa chủ nhà với các bên tham gia vào quá trình xây dựng.
Thứ hai, cần dự trù và quản lý chi phí xây nhà hợp lý:
Một vấn đề cũng thường xảy ra đối với người xây nhà chính là việc phát sinh chi phí so với số tiền dự trù ban đầu, mà nguyên nhân vấn đề hay bắt nguồn từ khả năng ước tính và quản lý chi phí yếu kém của chủ nhà. Muốn ước tính chi phí một cách tương đối chính xác đòi hỏi chủ nhà phải có một cái nhìn tổng thể về các khoản mục chi phí từ khi mua đất cho đến khi hoàn thành căn nhà và đi vào sử dụng. Nếu có điều kiện, chủ nhà nên tham khảo chi phí đầu tư xây dựng của những căn nhà lân cận có quy mô tương tự căn nhà chuẩn bị xây dựng. Số liệu của những công trình đã hoàn thành đó sẽ là một cơ sở đáng tin cậy khi dự trù chi phí cho căn nhà của mình. Bên cạnh việc dự trù, chủ nhà cũng cần phải luôn bám sát kế hoạch chi phí đã lập ra trong giai đoạn mua sắm các vật tư hoàn thiện, tránh tư tưởng “đời người làm nhà chỉ có một lần nên cái gì cũng ráng thêm một chút nữa cho tốt”.
Thứ ba, biết cách đánh giá chọn thầu thiết kế / thi công cho căn nhà:
Nhiều người khi xây nhà chỉ chọn những ai quen biết, tin cậy để thực hiện vì cảm thấy cách làm này giúp cho mình an tâm. Thế nhưng, an tâm không có nghĩa là chất lượng xây dựng sẽ tốt hơn, tin cậy không có nghĩa là hai bên sẽ ít xảy ra mâu thuẫn hơn. Thực tế minh chứng rằng: đôi khi chỉ vì tin tưởng nhau mà chủ nhà đã chọn bạn bè hoặc người thân là người xây dựng căn nhà của mình để rồi đến khi căn nhà được hoàn thành thì hai bên chẳng ai muốn nhìn mặt nhau. Chính sự quen biết, tin tưởng đôi khi lại chính là rào cản khiến cho chủ nhà không tìm hiểu kỹ về khả năng, kinh nghiệm của chủ thầu, đến khi xây mới biết chủ thầu không có khả năng thực hiện một căn nhà theo như mong muốn mà chủ nhà đưa ra. Mà khi sự tình đã đến nước này thì chủ nhà đâu còn con đường nào khác là phải đi đến cuối công trình? Thế nên việc chọn thầu để thiết kế, thi công một căn nhà khá là quan trọng và ảnh hưởng đến chất lượng toàn bộ công trình.
Cuối cùng, biết các nội dung cần làm rõ đối với công việc thiết kế, thi công và các sản phẩm hoàn thiện:
Khi mua sắm các sản phẩm, lựa chọn các dịch vụ thì ai cũng mong muốn rằng mình sẽ mua được những sản phẩm với giá cả tốt nhất. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ trong xây dựng có sự khác biệt lớn đối với các sản phẩm mua bán thông thường. Giả sử bạn đang đi mua rau ngoài chợ, khi cầm hai bó rau trên tay, bạn sẽ dễ phân biệt được bó rau nào tươi hơn, ngon hơn và sẽ dễ dàng hơn trong việc trả giá với người bán rau dựa vào chất lượng của bó rau mà bạn sẽ mua. Thế nhưng đối với các sản phẩm xây dựng thì lại không hề đơn giản như vậy bởi vì đó là loại sản phẩm mà bạn phải thỏa thuận giá cả trước khi bạn nhìn thấy sản phẩm thực tế. Cho nên nếu bạn chỉ biết trả giá mà lại không yêu cầu chi tiết về đặc tính sản phẩm thì dễ rơi vào tình huống người bán sẽ cung cấp cho bạn sản phẩm mà họ cảm thấy có lợi cho họ nhất. Lúc đó bạn cũng chẳng thể nào trách móc người bán vì bạn đâu có yêu cầu rõ ràng đối với sản phẩm mà mình muốn mua.